Thời gian gần đây, mình hay thấy nhiều quảng cáo là ngành UX/UI Design lương cao, học 1-2 khoá ngắn hạn có thể kiếm được việc làm... Thực sự có màu hồng vậy không?
Ở bài viết này, mình xin chia sẻ một góc nhìn cá nhân về những khó khăn và thách thức của ngành. Để những bạn đang tìm hiểu hoặc mới vào nghề có một cái nhìn khách quan và thực tế hơn về ngành UX/UI & Product Design.
Nhiều cơ hội ở những giai đoạn đầu
Mình bắt đầu chặng đường thiết kế từ hơn 10 năm trước, công việc đầu tiên của mình là thiết kế giao diện ứng dụng Desktop cho thị trường Mỹ. Thời gian đó, ở Việt nam chưa hề có khái niệm là UX/UI Design, UX Design hay Product Design. Đa phần kiến thức về thiết kế giao diện mình chủ yếu là tự học thông qua sách vở, một số khoá học ngắn hạn và từ một số chuyên gia nước ngoài.
Từ năm 2015 trở đi thì ngành UX/UI Design ở việt nam trở nên cực sôi động, nhiều công cty Outsourcing, Agency, Product tìm kiếm UX/UI Design đủ tất cả các level. Và đây cũng là cơ hội lớn cho nhiều bạn chuyển đổi ngành nghề, các cơ sở đào tạo mở các khoá học UX/UI…
Lúc này, UX/UI & Product Design là mảng khá mới, nên nhiều doanh nghiệp chưa có một thước đo đánh giá năng lực và kiến thức một cách cụ thể. Đó là một "cánh cửa mở" cho nhiều bạn đặt chân vào hành trình UX/UI & Product Design.
Sự trưởng thành của ngành UX/UI & Product Design, thách thức đối với thế hệ thiết kế mới
Tuy nhiên từ năm 2019 đến nay, mình đã chứng kiến sự trưởng thành vượt trội trong ngành. Và giờ đây là lúc phải nói chữ "khó" với các bạn đang tìm kiếm cơ hội trong ngành UX/UI & Product Design. Và chữ, “Khó” ở đây là mình muốn nói về mức độ khó hơn trong việc tuyển dụng.
Tại sao lại "khó" trong việc tuyển dụng?
Mình xin được chia sẻ 2 góc nhìn sau:
Góc nhìn 1: Ngành này không còn là ngành mới nữa, đa phần cấp bậc quản lý ở các doanh nghiệp giờ đã là những người có bề dày kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực UX/UI & Product Design. Vậy nên các tiêu chí đánh giá và tuyển dụng khắc khe hơn rất nhiều - xoáy vào chuyên môn và kiến thức chuyên sâu. Do đó, những bạn đầu tư học hành và nghiên cứu ở mức "nông", thì chắc hẳn "khó" có thể có cơ hội để đậu phỏng vấn tuyển dụng, cũng như là bước chân vào ngành nghề này.
Góc nhìn 2: Giờ đây lực lượng lao động ở ngành nghề này đã nhiều, nên bản thân các doanh nghiệp sẽ có nhiều sự lựa chọn tuyển dụng hơn trước. Điều này đồng nghĩa là tính cạnh tranh sẽ rất khốc liệt, buộc người ứng viên phải có kỹ năng tốt hơn hoặc có những ưu điểm vượt trội để thuyết phục được nhà tuyển dụng.
Ví dụ: Thay vì 7 năm trước đây bạn chỉ cạnh tranh với 4 ứng viên, thì giờ đây bạn đã phải cạnh tranh với 20 ứng viên.
Một ví dụ khác là Job bên dưới mình mới search thử, 4 ngày đăng tuyển, 48 ứng viên nộp hồ sơ - tính cạnh tranh cao.
Không rõ báo cáo ở đâu cứ bảo là “thiếu hụt nhân lực ngành thiết kế". Đúng là trên thực tế nhu cầu tuyển dụng ngày càng tăng lên, nhưng số lượng nhân lực ngành này tăng lên rất nhiều.
Trước đây mình quản lý tuyển dụng thiết kế hơn 3 năm, lượng hồ sơ nộp vào chỉ có dư thừa chứ chẳng thấy thiếu. Điều mình thấy thiếu ở đây có lẽ là thiếu những người thiết kế có chuyên môn và kiến thức tốt đáp ứng được công việc.
Bên cạnh đó, thách thức lớn hơn cho thế hệ thiết kế cũ.
Trước đây mình đi diễn thuyết thì có 1 bạn hỏi về tố chất cần thiết của người thiết kế trong lĩnh vực UX/UI & Product Design. Mình không do dự và trả lời luôn tố chất đầu tiên là "chăm chỉ".
Giờ đây khi nhìn vào thực tế, mình thấy thế hệ thiết kế mới giỏi rất nhiều. Điều này có nghĩa là nếu những thế hệ thiết kế cũ như mình không học hỏi, không tiến bộ nhanh thì khả năng sẽ đối mặt với vấn đề đào thải sớm. Vậy nên buộc người làm thiết kế phải thực sự cần mẫn, học hỏi không ngừng nghỉ để đáp ứng yêu cầu mới và nâng tầm bản thân.
Nhìn chung thì ngành UX/UI & Product Design là một ngành khó, đòi hỏi người thiết kế phải đầu tư và học hỏi lâu dài, nếu không nói là "suốt đời". Chứ không phải như quảng cáo một số khoá học là "học xong 1-2 khoá sẽ thành chuyên gia trong lĩnh vực UX/UI Design".
Bản thân mình luôn cổ vũ và động viên các bạn trên con đường thiết kế. Tuy nhiên hãy theo đuổi nếu các bạn thực sự đam mê, chứ không phải vì những lời quảng cáo hoa mỹ về mức lương, đãi ngộ, môi trường làm việc chill chill…
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của mình, hẹn gặp các bạn trong những bài chia sẻ tiếp theo.
Comments